CỘNG ĐỒNG KHỞI NGHIỆP

Bài viết về khởi nghiệp, tư duy, tài chính, bài học kinh doanh

LightBlog

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Có nên trở thành một 'du mục kỹ thuật số'?

Khái niệm "vừa đi du lịch vừa làm" đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trẻ, nhưng không phải ai cũng phù hợp với lối sống mới này.

Khái niệm "du mục kỹ thuật số"- digital nomad, hiện được nhiều bạn trẻ mường tượng như một lối sống trong mơ. Trong đó, các bạn có thể đi du lịch khắp nơi, vừa tận hưởng vừa làm những công việc tự do mà mình muốn, lại không phải lo tích luỹ quá nhiều tiền bạc. Họ có thể làm việc với đối tác ngay trên một bãi biển và nhâm nhi nước dừa, miễn là có một chiếc laptop và một đường truyền internet tốt.
Trên lý thuyết là vậy, tuy nhiên việc trở thành một "du mục kỹ thuật số" thật sự không dễ dàng. Có nhiều thứ bạn sẽ phải chuẩn bị và đánh đổi để bắt đầu cuộc hành trình này, trong đó tiền bạc, chuyên môn và kỹ năng sống là những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Lulu Anderson là một "du mục kỹ thuật số" người Mỹ. Cô từng đến Việt Nam vào tháng 5/2016 và làm việc hai tháng tại không gian làm việc chung Dreamplex. Hiện cô đang ở Montenegro, một quốc gia nhỏ tại châu Âu và làm tư vấn từ xa các chiến lược marketing kỹ thuật số cho các công ty trên khắp thế giới.
Lulu Anderson thừa nhận thu nhập trong thời gian làm một "du mục kỹ thuật số" không cao và phải đối phó với nhiều khó khăn.

Trước khi bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới của mình, Lulu từng là một quản lý cấp cao cho một công ty dược phẩm lớn tại Mỹ. Sau đó, cô mở công ty truyền thông của riêng mình và tập trung vào mảng kỹ thuật số. Cô cũng từng làm quản lý marketing kỹ thuật số cho nhiều thương hiệu lớn tại Mỹ như: Lululemon, TJ Maxx, Hasbro...
Cô bắt đầu du lịch vòng quanh thế giới vào tháng 10/2015 với điểm đến đầu tiên là Indonesia, sau đó là Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Montenegro.
Cô khuyên các bạn trẻ muốn bắt đầu cuộc sống của một "du mục kỹ thuật số" nên giới hạn các chi tiêu của mình tại mỗi nước đi qua từ 25 đến 35 USD mỗi ngày (khoảng 500.000 đồng đến 770.000 đồng). Ngoài ra, các bạn cũng nên lập kế hoạch những nơi mình sẽ đi qua, khoảng thời gian ở lại mỗi nước và những gì các bạn muốn làm tại đó. Theo Lulu, một "du mục kỹ thuật số" không chỉ là làm việc trên máy tính mà còn nên tham gia các hoạt động cộng đồng, khám phá những địa phương mình đi qua và tìm kiếm những cách để tạo thu nhập cho bản thân trong quá trình đó.
Một trong những cách để tiết kiệm chi phí là trao đổi kỹ năng lấy tiện ích. Ví dụ, Lulu sẽ làm hướng dẫn viên cho một đoàn khách của một khách sạn địa phương, đổi lại khách sạn này sẽ cho cô ở miễn phí trong suốt thời gian lưu trú tại đây.
Ngoài ra, trước khi trở thành một "du mục" thì các bạn phải có kỹ năng thật vững. Khi bắt đầu hành trình thì bạn chỉ có thể làm những công việc thời vụ, cho nên nếu kinh nghiệm của bạn càng nhiều thì sẽ càng dễ tìm việc hơn. Bản thân Lulu đã làm việc gần 10 năm cho các tập đoàn lớn của Mỹ trước khi bắt đầu lối sống "du mục". Vì vậy, các bạn trẻ nên dành thời gian hoàn thiện kỹ năng chuyên môn và trau dồi vốn sống để bắt đầu cuộc sống du mục thay vì chạy theo trào lưu.
Lulu nói một khi cô có nhiều khách hàng thì cô có quyền yêu cầu phí cao và thời gian làm việc ít đi. Cô cho biết hiện tại chỉ làm việc khoảng 20 tiếng mỗi tuần, tức chỉ 3-4 giờ một ngày. Lulu thú nhận thu nhập từ những công việc thời vụ vẫn không cao bằng những việc ổn định cô từng làm tại Mỹ. Tuy nhiên, những ai muốn trở thành "du mục kỹ thuật số" phải chấp nhận đánh đổi giữa trải nghiệm và vật chất.
Kevin Trung cho rằng lối sống "du mục kỹ thuật số" không thể kéo dài với mỗi người, chỉ vài ba năm.

Lulu vẫn chưa xác định được lối sống này sẽ kéo dài được bao lâu vì cô còn muốn đi đến nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cô nghĩ sẽ có lúc phải ở lại một nơi toàn thời gian và những cuộc hành trình là cách để cô tìm được nơi đó. "Có thể tôi sẽ về lại Mỹ, hoặc sinh sống toàn thời gian tại một đất nước mà tôi cho là phù hợp vào thời điểm đó", cô gái Mỹ cho biết.
Một trường hợp khác là Kevin Tùng Nguyễn, hiện là Giám đốc phát triển khách hàng doanh nghiệp tại Công ty iCare Benefits. Anh từng làm tư vấn đầu tư tài chính cho tập đoàn Merryl Lynch tại Mỹ, sau đó khởi nghiệp với dự án Ivylish chuyên bán nữ trang và Radius Online - một công ty quảng cáo.
Kevin có thể được coi là một "du mục kỹ thuật số" vì các hoạt động kinh doanh, quản lý start-up của anh đều được thực hiện online. Tất cả quản lý đều phải báo cáo kết quả kinh doanh mỗi ngày cho Kevin qua mạng nội bộ, thậm chí anh không làm việc qua email. Do đó, từ bất cứ đâu, Kevin đều có thể giám sát được các hoạt động kinh doanh của mình và mỗi chuyến đi của anh đến Singapore, Hong Kong, Mỹ, Indonesia... đều để phục vụ cho công việc hiệu quả hơn.
Thật ra, Kevin tránh không gọi bản thân là một "du mục kỹ thuật số". Anh còn khuyên các bạn trẻ hãy tránh xa việc trở thành "du mục kỹ thuật số" khi chưa đủ chín chắn về quản lý công việc lẫn tài chính.
Theo Kevin, lối sống "du mục kỹ thuật số" không dễ dàng thực hiện. Đó là lý do có rất nhiều người trở thành "du mục" sau đó lại nhanh chóng từ bỏ vì khi họ đã chọn con đường "rày đây mai đó" thì việc duy trì tài chính ổn định rất khó.
Thu nhập của những "du mục" đến từ những nguồn như làm việc từ xa hay viết blog. Riêng về khoản viết blog, chỉ khi blog có đủ độ nổi tiếng thì mới có một lượng "fan" nhất định và người "du mục" sử dụng các công cụ tìm kiếm để dẫn các hình thức quảng cáo lên blog của mình. Càng nhiều người đọc blog, càng nhiều người thấy quảng cáo, và các "du mục" kiếm được thu nhập từ đó.
Theo Kevin, một "du mục kỹ thuật số" thành công là người có thể làm bất cứ gì họ muốn và đi bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi vì để có thể đi được nhiều nơi, họ luôn trong tình trạng tìm việc, bởi họ chỉ làm việc ngắn hạn, phải luôn tìm những cuốc tàu, xe... giá rẻ và ăn uống, sinh hoạt với một phong cách rất đạm bạc. Vì vậy, Kevin cho rằng phong cách sống này không thể kéo dài mãi mà chỉ có thể là vài ba năm mà thôi.
Anh quan niệm rằng có nhiều phong cách "du mục kỹ thuật số". Có người đặt mục tiêu đi thật nhiều nơi, có thật nhiều trải nghiệm lên hàng đầu và công việc họ làm chỉ để trang trải cho mục đích đó. Trong khi đó, Kevin ưu tiên các hoạt động kết nối và phát triển các doanh nghiệp của mình, và các chuyến đi chỉ là một phương thức thực hiện được những điều này.
Theo thống kê không chính thức của website Nomadlist.com, hiện nay có khoảng hơn 10.800 "du mục kỹ thuật số" trên khắp thế giới. Một khảo sát của website Upwork.com cho thấy 92% những người trở thành "du mục" cảm thấy thoả mãn với cuộc sống hơn, 59% có thu nhập cao hơn, 79% cảm thấy năng suất làm việc cao hơn công việc bàn giấy. Ngoài ra, 82% số người được hỏi cho biết làm việc qua internet cho cuộc sống mà họ cảm thấy đáng sống thay vì phải làm theo guồng máy của các công ty, tập đoàn như trước.
Vĩnh Viễn/Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét