CỘNG ĐỒNG KHỞI NGHIỆP

Bài viết về khởi nghiệp, tư duy, tài chính, bài học kinh doanh

LightBlog

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Sự độc đáo của hệ sinh thái khởi nghiệp Israel

Ở Israel, người ta không chờ sản phẩm hoàn thiện, như viên ngọc không tì vết rồi mới dám công bố. Họ công khai ngay từ khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng, kệ người khác đàm tiếu và chẳng lo thất bại. Đây mới chính là cốt lõi tạo nên sự độc đáo của hệ sinh thái khởi nghiệp Israel.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn, các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo về công nghệ cao đều phải chú ý đến Israel vì các công ty khởi nghiệp ở đây tăng trưởng quá mạnh mẽ. Theo Geektime, năm 2015 là một năm đột phá của các quốc gia Trung Đông này.
 
Số lượng công ty khởi nghiệp tăng lên con số 1.400, và họ làm ăn có hiệu quả. Trong số 1.400 công ty, 373 công ty gọi vốn được 3,58 tỷ USD và 69 công ty được bán với số tiền lên đến 5,41 tỷ USD.
 
Nghe "danh" rất to tát, thực ra Israel là đất nước nhỏ bé, với số dân chỉ hơn 8 triệu người nhưng số lượng các công ty khởi nghiệp tập trung tại đây rất nhiều, đến nỗi người ta gọi đây là thung lũng Silicon giữa lòng Trung Đông. Đây cũng là một trong các hệ sinh thái khởi nghiệp lớn nhất thế giới. Cứ mỗi năm, đất nước này lại sản sinh ra gần 1.000 công ty khởi nghiệp mới.
 
"Cái khó ló cái khôn"
 
Đối với Israel, đổi mới không có nghĩa là phải làm gì thật to tát mà là thay đổi những điều nhỏ nhặt.
 
Bạn gặp tắc đường? Nhớ cài ứng dụng Waze. Ứng dụng này vừa giống Google Maps để chỉ đường, lại vừa giống VOV giao thông của Việt Nam, cảnh báo những cung đường đang tắc. Ứng dụng này gây ấn tượng với những người từ Google và cả Facebook, cũng đã nhận được tiền đầu tư từ Trung Quốc. Waze đã được Google mua lại với giá 1 tỷ USD. Từ việc giải quyết chuyện tắc đường cho một bác tài xế, Waze giờ đây có thể giúp đỡ được các lái xe trên toàn thế giới.
 
Không sợ thất bại, tập trung vào chuyên môn
 
Ở Israel, người ta không chờ sản phẩm hoàn thiện, như viên ngọc không tì vết rồi mới dám công bố.
 
Họ công khai ngay từ khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng, kệ người khác đàm tiếu và chẳng lo thất bại. Đây mới chính là cốt lõi tạo nên sự độc đáo của hệ sinh thái khởi nghiệp Israel. Các công ty của châu Á có thể học được rất nhiều về cách thức tiếp thị sản phẩm, sự tự hào của họ đối với sản phẩm.
 
John Rampton, người sáng lập phần mềm quản lý hoá đơn cho rằng, ở Israel rất rõ ràng, nhà đầu tư có tiền thì tập trung vào chuyện kiếm tiền, còn công ty có công nghệ thì tập trung vào công nghệ. Ngược lại, tại châu Á, các công ty châu Á phải lo chuyện tiền nong trước. Các công ty Israel tiến nhanh hơn các đối thủ châu Á cũng vì lẽ đó.
 
Tính chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu, bất lịch sự chút cũng không sao
 
Tại Israel, chuyện "cãi sếp" là bình thường. Cãi xong rồi, họ vẫn có thể đi uống với nhau. Việc nêu ý kiến riêng không chỉ là chuyện "được phép" mà là "được khuyến khích". Khi mỗi người một ý, những ý tưởng lớn hơn hình thành và sẽ có những cách cách tiếp cận vấn đề mới.
 
Điều này ngược lại với châu Á, việc người ta vẫn dạy nhau rằng "trẻ con thì biết gì" hay "không biết thì dựa cột mà nghe" đã ăn sâu truyền thống, không chỉ trong các gia đình mà còn cả trong cách kinh doanh.
 
Đầu tư lớn với những người trẻ tiềm năng
 
Trong các công ty khởi nghiệp công nghệ của Israel, thường sẽ có ít nhất một người trẻ mới tốt nghiệp từ quân đội.
 
Ở Israel, đi nghĩa vụ là việc bắt buộc đối với công dân, không phân biệt nam hay nữ. Quân đội Israel có nhiều đơn vị về công nghệ, mang lại cho những người tham gia những kiến thức về công nghệ, để sau này có thể trở thành kỹ sư, các nhà phát triển, và hay giám đốc kỹ thuật.
 
Tại Israel có nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Intel và Apple cũng có trung tâm R&D tại đây. Sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp hoàn toàn có cơ hội làm việc ở những trung tâm này.
 
Tại sao Israel nên tìm cơ hội để thâm nhập vào các thị trường châu Á?
 
Bởi đầu tiên, với Israel, đó là một thị trường tiềm năng, có khả năng mở rộng. Trong khi đó, Israel lại có nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường này.
 
Mỹ và châu Âu đã trở nên đông đúc đến chật chội. Còn ở châu Á, mới chỉ có vài ông lớn công nghệ. Nhiều người đã nhận ra khoảng trống nên gần đây, một vài "vườn ươm doanh nghiệp" của Israel đã có mặt tại châu Á , trong đó có Startup East, The Floor, and Samurai Incubate.
 
Các công ty này đều hướng đến hợp tác xuyên biên giới, giữa các công ty khởi nghiệp của Israel và và các hệ sinh thái khởi nghiệp của châu Á. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà đầu tư cũng thu hút vào chương trình khởi nghiệp. Các nhà đầu tư châu Á đang ngày càng quan tâm các sản phẩm công nghệ của Israel.
                                                                                                                                                                    Vũ Kim Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét