Nguyễn Trọng Thơ – CEO iNET
Khởi nghiệp trên Internet đang là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế còn nhiều khó khăn. Với lợi thế chi phí thấp, hiệu quả lâu dài, vốn đầu tư thấp,..kinh doanh online trên Internet đang mở ra cơ hội bất cứ ai.
ĐỂ KHỞI NGHIỆP TRÊN INTERNET BẠN CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?
Chuẩn bị: Laptop + Kết nối Internet
Bạn nên dùng laptop thay vì PC để có thể làm việc bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Bạn cần sử dụng phần mềm có bản quyền, tuyệt đối không cài phần mềm trôi nổi trên mạng để tránh bị Virus hoặc Spyware (phần mềm gián điệp), cài phần mềm diệt virus có bản quyền.
Một đường truyền Internet tốc độ cao tại nhà + thiết bị phát wifi + 1 bộ USB 3G để dự phòng những lúc không có Internet.
Bước 1. Nghiên cứu và lựa chọn thị trường ngách
Trước hết bạn cần xem thị trường đang có vấn đề gì, họ là ai, đang ở đâu, và sau đó hãy xem bạn có thể giải quyết giúp họ hay không. Bạn không nhất thiết phải có sản phẩm, chỉ cần bạn biết ai đó có sản phẩm tốt và cung cấp cho những người đang có nhu cầu.
Để biết thị trường đang cần gì, bạn có thể theo dõi thông tin trên các diễn đàn, các mạng xã hội, bài viết trên báo điện tử,.. Sau đó, bạn dùng công cụ Google Keywords Planner để phân tích thị trường, xác định được nhu cầu, xu hướng,.. từ đó lựa chọn 1 thị trường ngách (hẹp) phù hợp để bắt đầu kinh doanh online.
Bước 2. Xây dựng website kinh doanh
Tên miền và website là thứ bắt buộc phải có khi kinh doanh online. Tên miền ~ Đất, Website ~ Nhà, cửa hàng online. Bạn có thể thuê công ty thiết kế web, hoặc tự xây dựng website kinh doanh riêng cho mình bằng những công cụ miễn phí như Blogger.com, Wordpress.com.
Với các công cụ tạo website miễn phí, bạn không phải mất 1 đồng nào cho việc thiết kế và lưu trữ website (hosting). Chi phí duy nhất bạn cần bỏ ra chỉ là 1 tên miền (dưới 10 usd với tên miền quốc tế, dưới 800.000Đ với tên miền Việt Nam).
Bước 3. Xây dựng nội dung và Viết bài bán hàng
Trên Internet có rất nhiều thông tin, tại sao khách hàng dừng lại xem thông tin của bạn. Tại sao họ chọn sản phẩm của bạn mà không phải của người khác. Kỹ năng viết bài bán hàng có thể học được, bạn có thể tự học hoặc đi thuê người đã có kỹ năng này.
Trong bài viết bán hàng, bạn cần lưu ý tập trung vào lợi ích của sản phẩm (giúp gì cho khách hàng), các vấn đề mà sản phẩm của bạn giải quyết được cho khách hàng là gì. Hãy suy nghĩ như một khách hàng: “Cái đó giúp ích gì cho tôi?”.
Bước 4. Tăng lưu lượng vào website
Bạn hãy sử dụng các công cụ của Internet để dẫn càng nhiều khách hàng tiềm năng vào website càng tốt, chẳng hạn như: SEO (Search Engine Optimization), Google Adwords (quảng cáo trả tiền trên Google), Email Marketing, tham gia vào mạng xã hội,..
Bước 5. Bạn phải là 1 chuyên gia
Khách hàng sử dụng internet để tìm thông tin. Bằng việc cung cấp thông tin hữu ích, bạn sẽ lôi kéo được đông đảo thành viên tham gia. Bạn hãy bắt đầu bằng việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng thông qua những bài viết, video,.. và chia sẻ lên website, mạng xã hội,..và có thể trên các báo điện tử,.. Bạn cũng có thể trở thành một thành viên tích cực trong các diễn đàn, cộng động mạng xã hội của ngành, nơi có đông khách hàng mục tiêu.
Bước 6. Giữ liên lạc với khách hàng
List = Money. Bạn cần xây dựng danh sách khách hàng quan tâm đến sản phẩm / dịch vụ. Bạn có thể quản lý bằng Email List, Facebook Group,.. Sau đó định kỳ gửi cho họ ít nhất mỗi tuần 1 lần những thông tin giá trị mà khách hàng của bạn quan tâm.
Bước 7. Dùng Affiliate để tăng doanh số
Tiếp theo bạn cần xây dựng một chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate). Khách hàng trung thành luôn là những người tích cực nhất, sẵn sàng chia sẻ thông tin về sản phẩm của bạn đến với nhiều người. Bạn hãy đưa ra 1 chương trình giúp họ trở thành đối tác bán hàng cho bạn.
Bên cạnh đó, bạn có thể gia tăng doanh số từ danh sách khách hàng hiện có, bằng cách giới thiệu tới khách hàng của mình những sản phẩm / dịch vụ của người khác, giúp họ giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Mỗi lần giới thiệu khách mua hàng, bạn sẽ được hoa hồng từ 10% tới 70%.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn, công cụ không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà mô hình kinh doanh (Business Model) mới quyết định sự thành công của bạn. Có được mô hình kinh doanh tốt, bạn sẽ lôi kéo được nhiều cá nhân và đối tác cùng tham gia.
Chúc bạn thành công!
@Nguyễn Trọng Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét